Page 5901 – Nguoi Viet Online (2024)

Bùi Bích Hà

Nếu viết cho đầy đủ để dễ hiểu, thì câu viết phải như sau: “Thế chiến quốc, thế xuân thu, thời thế thế, thế thời phải thế.” Chả biết gốc gác câu này từ đâu nhưng nghe nhiều người nói quá, tôi đâm thuộc lòng. Mỗi khi chạm mặt một tình huống chẳng đặng đừng, lại thấy mình hào hứng đem câu này ra, hoặc tự an ủi mình hoặc an ủi người bên cạnh.

Do thời cuộc kể từ biến cố 30 Tháng Tư, 1975 và sau đợt di tản đầu tiên, những năm tháng tiếp theo, người Việt Nam bảo nhau tiếp tục liều mình tìm đường đi định cư ở nước ngoài, nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Những người thiếu may mắn, lâm nạn giữa chuyến đi không tới thì nằm lại trong lòng đại dương, trong rừng sâu, nơi hoang địa, không còn bận tâm chuyện đời như trang sách đã thiên thu đóng lại. Những người may mắn đến được bến bờ tự do thì thấy mình ngỡ ngàng đứng trước nhiều vấn đề xa lạ với kinh nghiệm sinh tồn họ thừa hưởng qua nhiều thế hệ tổ tiên và được xem là truyền thống văn hóa đặc thù của dân tộc. Rất khác với ở quê nhà, họ thấy mình không được xả rác, khạc nhổ hay tiểu tiện thoải mái ở bờ tường, gốc cây, không được mặc quần áo ngủ dù mới toanh khi ra đường, không được gọi nhau ơi ới hay nói to khi ở trong khu thương xá, không được chen lấn giành chỗ những nơi công cọng mọi người đang xếp hàng chờ tới lượt v.v…

Khó khăn hơn cả là rất nhiều người không giữ được nội dung câu tục ngữ ông bà để lại: “Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ.” Đã lâu lắm, thời tôi mới tới đây khoảng giữa thập niên 80, có nhìn thấy đâu đó cuốn sách “Share Phòng, Share Tình” của ông Lâm Tường Dũ, sau được quay thành phim, nhưng tôi không mấy chú ý giữa nhiều ưu tiên khác ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống riêng của mấy mẹ con chỉ tạm trú một thời gian ngắn ở nhà cậu cháu rồi dọn vào chung cư.

Càng về sau, với những đợt di tản diện thân nhân bảo lãnh hay HO, hai chữ “share phòng” được nói tới rất nhiều trong đồng hương. Chúng cũng xuất hiện ồ ạt cho tới tận bây giờ trên các mục rao vặt của nhiều tờ báo tiếng Việt tại địa phương, tựa như: “Nhà dư phòng cho share. Free Wifi + giặt quần áo. Nấu ăn OK. $500/tháng. Liên lạc (714)…” “Nhà ít người, yên tĩnh, cho share một phòng lối đi chung, ưu tiên nam/nữ độc thân. Bao điện nước, nấu ăn chút chút. Liên lạc (714)… “Phòng rộng, có buồng tắm/vệ sinh. Lối đi riêng. Gần chợ ABC. Vợ chồng có việc làm tốt. $800/tháng. Liên lạc (714)…”

Đọc vậy, biết vậy, mường tượng một nét văn hóa khác lạ trong cách sống của người Việt ở đây song tôi không thực sự hình dung ra diễn tiến của câu chuyện như thế nào? Vài lần đi đón một người bạn ở share phòng, tôi chỉ tới cửa đã thấy bạn chờ sẵn nên đoán bạn có đôi chút e dè về nơi ở nhưng tôn trọng sự riêng tư của bạn, tôi không thắc mắc lâu.

Tuần qua, tôi có anh chị bạn cùng học thời tiểu học, nay mới nghỉ hưu, ngỏ ý muốn dời cư từ Gardena về quận Cam có đông đồng hương, chợ búa và tiệm ăn cho thêm vui lúc tuổi già. Các con anh chị đều ở tiểu bang xa nên con đường ngắn nhất để anh chị có một nơi ở tử tế trong khu Little Saigon là tìm thuê một căn phòng tiện nghi trong một ngôi nhà thân thiện. Không theo cách thông thường mọi người quanh đây thường làm là đọc báo để tìm địa chỉ có phòng cho thuê vì anh chị cảm thấy ngại ngùng khi lần đầu tiếp xúc với một người chưa từng quen biết để hỏi về một việc xem ra chỉ nên hỏi một người đôi bên từng có chút giao tình qua lại thì dễ thực hiện hơn. Anh chị bắt đầu nhờ bạn bè địa phương mai mối giùm. Tôi ở trong số bạn bè này nên cũng hối hả thăm dò vài nơi quen biết để giúp anh chị.

Buồn ngủ gặp chiếu manh, thời may tôi hỏi trúng một gia đình có phòng trống vì người ở trước vốn là một tên tuổi trong giới nghệ sĩ vừa dọn ra.

Ba chúng tôi tới nơi theo hẹn trong buổi sáng trời quận Cam bỗng đổ mưa từng cơn tầm tã. Tôi ái ngại nhủ lòng lát nữa phải chùi giầy thật kỹ đây. Đậu xe sát bờ lề phía trước xong, chưa kịp dừng chân ngắm nghía khoảnh vườn hoa cỏ rộn ràng đã thấy gia chủ mở rộng cửa và bước ra ngoài niềm nở chào hỏi. Theo chủ nhân vào trong, không biết anh chị bạn tôi nghĩ sao nhưng riêng tôi thực tình kinh ngạc. Nội thất ngôi nhà bài trí đẹp và thanh lịch, ngăn nắp, sạch sẽ như không thể nào ngăn nắp và sạch sẽ hơn nữa, mỗi đồ vật ở đúng vào vị trí thích hợp nhất của nó khiến tôi nhận ra ngay không một ai hay một một vật dụng nào khác có chỗ trong toàn bộ khung cảnh rất riêng tư này. Dù kết quả việc “coi mắt” share phòng thế nào, tôi muốn nói lên lời cảm ơn duyên may đã cho tôi cơ hội hãn hữu, như một đặc ân, để bất ngờ được đặt chân tới đây. Dẫu sao, câu chuyện đã bắt đầu cần một kết thúc. Ông bà chủ nhân hướng dẫn chúng tôi vào căn phòng đầu tiên dài theo bên hông ngôi nhà, có lối đi riêng, có cái patio nhỏ cho những buổi chiều mùa hè ngồi hóng gió, nhâm nhi ly rượu đỏ; có cái bàn viết kê sát khung cửa sổ nhìn ra vườn sau cũng gọn gàng, tươm tất, tựa mái tóc được cắt chải cẩn thận. Căn phòng này dường như được cơi thêm ra nên chắc không có hệ thống sưởi, cảm giác lạnh lẽo thấm qua cửa sổ, qua tường, trong buổi sáng thời tiết ướt át và gió lùa từng đợt. Căn phòng thứ hai nằm hẳn bên trong ngôi nhà, ấm áp, kín đáo, rộng rãi, không chê vào đâu được ngoại trừ như tôi mô tả lúc đầu, nó là một phần bất khả phân chia với toàn bộ ngôi nhà, nhất định không giành cho người ngoài. Đến đây, tôi thoáng thấy nét ngại ngùng trên khuôn mặt anh chị bạn của tôi, có lẽ cũng cùng một tâm cảm với tôi.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 7 tháng 12 năm 2016

Bây giờ thì tôi thực sự hiểu được khả năng thích nghi của người Việt chúng ta, hoàn cảnh nào cũng có cách khắc phục, bằng suy nghĩ và ứng xử vượt qua biên giới của những điều bất khả.

Mẹ tôi thuộc rất nhiều ca dao/tục ngữ. Có lẽ tất cả nền giáo dục gia đình, nếu có cho tôi, là từ cái kho tàng văn hóa dân gian truyền khẩu này. Mẹ tôi có khả năng áp dụng tài tình những bài học cổ nhân soạn sẵn, ngắn gọn và cô đọng ấy để dạy tôi, vừa thích hợp, dễ nghe, vừa nhanh chóng thẩm thấu vào trí nhớ của đứa bé đang khôn lớn là tôi ngày đó. Rất nhiều khi những áp dụng văn vẻ bất chợt của bà khiến tôi phải bửa óc ra, tự tìm câu trả lời hàm chứa trong nội dung các bài học không phải lúc nào cũng đi cùng một chiều. Không biết do đâu mà tôi sớm hiểu được để không nghi hoặc, phải đem chất vấn mẹ nhưng biết rằng mâu thuẫn của các kinh nghiệm sống cũng là mâu thuẫn giữa nhiều cảnh đời phức tạp. Ví dụ, mẹ tôi dạy không được tò mò, tọc mạch, không được bình phẩm chuyện của người khác, “Đèn nhà ai nấy rạng” nhưng có lúc mẹ lại đọc vào tai tôi câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và bảo tôi mang ít gạo cho bà bán bánh dạo vì mấy hôm rồi bà ngã bệnh, không đi bán được, tiền đâu mà mua gạo? Dẫu sao, sự tọc mạch của mẹ tôi về gia cảnh bà bán bánh là hành vi nhân đức, cần thiết cho bà ấy, lại thêm “láng giềng gần” tuy gọi thế nhưng cũng cách nhà nhau chừng chục bước chân. Trong câu chuyện “share” phòng, láng-giềng-gần đùm đậu nhau sống ở quê người là “bưng luôn nhau vào nhà,” nghĩ kỹ, thấy giật mình vì quả là chí tình, độ lượng đến mức liều lĩnh.

Tất cả “thông tin” về nhau trước khi kết ước chỉ là câu chuyện trao đổi qua loa, phần lớn do mục Rao Vặt, cái nhìn quan sát kín đáo và trực cảm lúc đối diện. Tôi không biết thời gian của một hợp đồng miệng kiểu này có tuổi thọ bao lâu nhưng có lẽ cũng may rủi, không khác gì các giao kèo sống chung khác, ít nhất vài tuần/vài tháng, bất bình, eo xèo rồi chia tay; nhiều nhất vài năm vì hoàn cảnh thay đổi, cũng chia tay nhưng đôi bên lưu lại nhiều mỹ cảm, đã xa rồi song thỉnh thoảng có cơ hội vẫn ghé lại thăm nhau, thậm chí tặng quà.

Trong các cuộc hạnh ngộ “share phòng” tốt đẹp (hay không tốt đẹp) như nói trên, chủ nhà và người ở thuê đã tạo ra một văn hóa thời thế kỳ lạ. Tất nhiên khởi đi từ nhu cầu của sở hữu chủ ngôi nhà cần có thêm thu nhập để trang trải món nợ địa ốc trả góp hàng tháng cho ngân hàng nhưng không biết ai là người đầu tiên xướng xuất sáng kiến độc đáo này, mở đường cho nhiều người khác theo rồi hình thành cả một văn hóa share phòng, thậm chí lan sang cả cộng đồng bản xứ và cộng đồng nhiều sắc dân khác trong khu vực có đông người Việt định cư? Có lẽ căn cứ trên tính khí chịu đựng và cốt cách xuề xòa, nhân hậu của các bà mẹ Việt Nam luống tuổi, có thói quen voi vét, chắt chiu, tìm kiếm, thu vén từng đồng để không phí phạm và để có khả năng làm một bài toán có lợi cho con cháu, theo cách tôi đoán mò, nhiều phần trăm chúng ta có thể nghĩ việc cho share phòng là do ý kiến của các bà mẹ này. Dẫu ai thì ai, mai sau, kinh nghiệm share phòng chắc phải được ghi vào lịch sử nhân văn của người di dân Việt Nam khi rời bỏ xứ sở ra đi lánh nạn Cộng Sản cuối thế kỷ 20. “Sẩy nhà ra thất nghiệp,” họ như những cánh chim vỡ tổ bay dưới trời giông bão, bơ vơ tìm nơi trú ẩn và tìm nhau để cùng nhau gánh vác những nỗi nhọc nhằn nằm trong thân phận. Chính cái chung gần gũi này đã giúp họ quên hết tỵ hiềm và nghi nan để vượt qua mọi rào cản cấm kỵ, gắng sống chan hòa, đong cho đầy, kê cho bằng, thể hiện nét văn hóa ngộ biến tòng quyền rất đặc biệt của một thời đại cũng rất đặc biệt.

Page 5901 – Nguoi Viet Online (2024)

References

Top Articles
Latest Posts
Article information

Author: Aracelis Kilback

Last Updated:

Views: 6175

Rating: 4.3 / 5 (64 voted)

Reviews: 87% of readers found this page helpful

Author information

Name: Aracelis Kilback

Birthday: 1994-11-22

Address: Apt. 895 30151 Green Plain, Lake Mariela, RI 98141

Phone: +5992291857476

Job: Legal Officer

Hobby: LARPing, role-playing games, Slacklining, Reading, Inline skating, Brazilian jiu-jitsu, Dance

Introduction: My name is Aracelis Kilback, I am a nice, gentle, agreeable, joyous, attractive, combative, gifted person who loves writing and wants to share my knowledge and understanding with you.